Nếu là một người dùng iPhone, thì chắc chắn bạn sẽ biết rằng
mỗi thế hệ iPhone được Apple chia làm hai chu kỳ, với sự khởi đầu của một chiếc
iPhone "số" (như iPhone 4, 5, 6) và nối tiếp sau đó bằng một chiếc
iPhone "S" (iPhone 4s, 5s, 6s). Trong khi những chiếc iPhone
"S" thường chỉ bị coi là bản nâng cấp cấu hình, thì người dùng tỏ ra
hào hứng hơn mỗi khi một thế hệ iPhone đi kèm với một con số mới được ra mắt –
khi họ cho rằng đây mới là nơi những tinh túy của Apple được hội tụ.
Cá nhân tôi thì lại thấy ngược lại. Nếu được hỏi về thế hệ
iPhone "số" cuối cùng mà tôi cảm thấy ấn tượng, thì chắc chắn đó là
chiếc iPhone 4 ra mắt năm 2010. iPhone 5 và iPhone 6 tuy là hai chiếc máy thành
công, nhưng xét một cách thẳng thắn thì nó chỉ là phiên bản được thiết kế lại của
người tiền nhiệm với màn hình lớn hơn, nhưng lại không mang đến bước đột phá
nào.
Kích thước màn hình chắc chắn là thay đổi lớn, đặc biệt là với
một công ty từng một mực trung thành với cái triết lý "điện thoại phải nằm
gọn trong lòng bàn tay" như Apple. Nhưng dưới góc nhìn của một người thường
xuyên theo dõi công nghệ, khi mà chứng kiến việc Apple chỉ đơn thuần là đang chạy
theo xu hướng màn hình lớn, hay nói một cách khác là chạy theo các nhà sản xuất
khác, thì thật sự mà nói tôi cảm thấy không ấn tượng.
Trái lại, tôi lại cảm thấy hứng thú hơn với những chiếc
iPhone "S", khi được chứng kiến sự bứt phá của Apple từ vị thế của kẻ
theo sau, chuyển sang dẫn đầu xu hướng. Từ lâu rồi, "S" không chỉ đơn
thuần là Speed (tốc độ) nữa. Với iPhone 4s, đó là trợ lý ảo Siri. Với iPhone
5s, đó là cảm biến vân tay Touch ID. Với iPhone 6s, đó là màn hình cảm ứng lực
3D Touch. Những công nghệ này nắm vai trò định hướng cho không chỉ các thế hệ
iPhone tương lai, mà còn là toàn ngành di động. Do thị hiếu của người tiêu dùng
luôn bị chi phối mạnh mẽ bởi những chiếc iPhone mới, các đối thủ cũng không thể
cứ thế mà ngồi yên và buộc phải bổ sung những công nghệ trên vào sản phẩm của
mình.
Thế nhưng, iPhone 7 năm nay thì lại mang đến một sắc thái
khác biệt. Thời điểm này hai và bốn năm trước, người dùng mong đợi thế hệ
iPhone tiếp theo sẽ có màn hình lớn hơn và thiết kế mới. iPhone 5 và iPhone 6 đều
khiến họ thỏa mãn. Nhưng iPhone 7 thì không. Mang một thiết kế không đột phá,
kèm theo việc Apple không còn phải chạy theo xu hướng màn hình lớn như những
năm trước, iPhone 7 đã khiến không ít người tỏ ra thất vọng. Liệu còn gì hấp dẫn
để thôi thúc người dùng bỏ ra hàng chục triệu đồng cho nó, trước thời điểm thị
trường smartphone đang ngày một bão hòa?
Vào thời điểm 2016 hiện tại, mọi chiếc smartphone cao cấp đều
có thể chụp ảnh đẹp, nghe nhạc hay, lướt web nhanh, chơi game mượt. Trong số những
yếu tố hiếm hoi còn lại giúp người dùng chọn mua chiếc smartphone phù hợp với bản
thân mình, thì thiết kế vẫn luôn là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu.
Thế nhưng, đây lại không phải là một điểm mạnh của iPhone 7.
Đánh giá chi tiết nhất về iPhone 7: Có thực sự là smartphone
tốt nhất năm nay? - Ảnh 2.
Ngoài dải anten, gần như không có một sự thay đổi nào đáng kể
trên thiết kế của iPhone 7
Thông thường, cứ mỗi hai năm thì một chiếc iPhone với thiết
kế mới sẽ được ra mắt. Hai năm trước, Apple đã nhận phải hàng loạt chỉ trích bởi
sự thô kệch của iPhone 6 – đến nỗi mà nhiều người đã cho rằng "Nếu Steve
Jobs còn sống, chắc chắn ông ấy sẽ không bao giờ cho phép điều này xảy
ra". Thế rồi, hai năm trôi qua và chúng ta vẫn thấy những chiếc iPhone
6/6s nhan nhản ngoài đường. Đơn giản là vì thiết kế của iPhone 5s tuy đẹp,
nhưng lại dễ gây nhàm chán. Trước tình cảnh "người người iPhone, nhà nhà
iPhone", sự mới mẻ vẫn là điều mà người dùng hết sức coi trọng.
Năm nay, Apple phải đối mặt với một rủi ro lớn trên iPhone
7. Đây là thế hệ iPhone đầu tiên mà Apple tái sử dụng một thiết kế trong vòng
ba năm liên tiếp. Mặc dù có một vài sự thay đổi ở dải anten, nhưng từng đó là
chưa đủ để người dùng cảm thấy thuyết phục. Thậm chí, ngay cả Jony Ive - Giám đốc
thiết kế của Apple cũng phải thừa nhận: "Thiết kế của iPhone 7 chỉ là một
sự tiến hóa, chứ không phải là lột xác."
Nếu bạn đã từng cầm những chiếc iPhone 6/6 Plus trước đây,
thì bạn đã biết cảm giác mà iPhone 7/7 Plus đem lại là như thế nào rồi đấy. Nó
y hệt. Vẫn là màn hình cong 2.5D. Vẫn là khung viền được uốn cong. Vẫn là
camera lồi. Vẫn là mặt lưng phẳng lỳ được làm bằng nhôm.
Do tiếp nối thiết kế của những thế hệ iPhone trước, iPhone 7
cũng "kế thừa" tất cả nhược điểm của chúng. Vẫn là cái cảm giác trơn
tuồn tuột khi cầm trên tay và có thể đánh rơi bất kỳ lúc nào. Vẫn là cái viền
màn hình dày cui, khiến máy màn hình thì nhỏ mà kích cỡ thì lại lớn. Vấn đề này
đặc biệt nghiêm trọng với iPhone 7 Plus, khi nó tạo một cảm giác khó chịu vô
cùng trong túi quần, khiến ngay cả việc đi lại cũng trở nên hết sức khó khăn.
Tôi không thể tin được là có ngày mình lại thốt ra câu này,
nhưng có lẽ Apple cần học hỏi Samsung về thiết kế. Thật đấy: Phép màu nào đã
khiến Galaxy Note7 có kích cỡ nhỏ hơn, nhưng lại có màn hình to hơn cả iPhone 7
Plus?
hế nhưng, bạn có thể chê iPhone 7 xấu, nhưng không thể phủ
nhận rằng đây là một chiếc điện thoại cao cấp và được cân nhắc tỉ mỉ trên từng
đường nét. Vẻ đẹp của những chiếc iPhone chỉ có thể cảm nhận được khi trực tiếp
cầm trên tay. Chất lượng gia công vẫn luôn là một điểm mạnh của Apple trong suốt
nhiều năm qua, và với iPhone 7, hãng không để chúng ta phải thất vọng. Tất cả
những chi tiết dù là nhỏ nhất như nút bấm, lỗ mic, loa thoại đều được thiết kế
một cách sắc xảo.
Nếu như người dùng có thể chấp nhận được thiết kế của iPhone
6, thì tôi nghĩ rằng không có lý do gì họ lại không thể tiếp tục làm như vậy với
iPhone 7. Mặc dù vậy, để có thể khiến chủ nhân của những chiếc iPhone 6/6s nâng
cấp, chắc chắn, sẽ không phải là chuyện đơn giản. Khi đưa chiếc iPhone 7 cho bố
tôi (vốn đang là một người dùng iPhone 6), ông không thể nhận ra được sự khác
biệt giữa hai chiếc máy này. Apple sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thuyết phục những
người dùng như ông - khi mà những yếu tố về hiệu năng, camera hay màn hình là
không đủ để tạo ra sự hào hứng.
Tạm gác lại vấn đề về sự nhàm chán sang một bên, nếu như xét
một cách công bằng thì tôi đánh giá thiết kế của iPhone 7 ở mức "ổn"
với phiên bản màu sắc như vàng, vàng hồng, trắng; và "khá đẹp" với
các phiên bản màu đen hay đen bóng. Có thể đây là một đánh giá có phần thiên vị,
nhưng tôi tin các bạn cũng sẽ phải đồng ý rằng: việc dải anten bỗng dưng trở
nên "vô hình" trên hai phiên bản màu sắc này khiến thiết kế của máy
trở nên liền mạch và tinh tế hơn rất nhiều.
Hãy cùng nói qua một chút về màu sắc mới, và cũng là nổi bật
nhất của iPhone 7 năm nay, Jet Black. Tôi từng nhớ vào thời điểm 2013 khi
Samsung ra mắt Galaxy S4 – mặc dù máy nhận được nhiều đánh giá tốt, nhưng bị chỉ
trích nhiều về thiết kế nhựa bóng ‘rẻ tiền’ và dễ xước.
Đánh giá chi tiết nhất về iPhone 7: Có thực sự là smartphone
tốt nhất năm nay? - Ảnh 5.
Điều tương tự có vẻ như đang lặp lại với màu Jet Black. Nó
cho cảm giác cầm trên tay rất kỳ lạ khi vừa giống kính, vừa giống nhựa nhưng
trí não bạn thì lại luôn đinh ninh rằng nó là kim loại. Và đương nhiên, nó rất
dễ xước. Dễ xước hơn bất kỳ chiếc điện thoại nào bạn đã từng sử dụng. Bù lại,
Jet Black cho cảm giác cầm nắm chắc chắn hơn rất nhiều so với các màu sắc còn lại.
Nhìn chung, do đây là một vấn đề liên quan đến thẩm mỹ, tôi
không thể khuyên các bạn nên mua màu này, hay màu kia - vì đây là quyết định
riêng của mỗi người. Nhưng với Jet Black, tôi chỉ mong các bạn đừng ‘nghe lời
Apple’ mà sử dụng ốp lưng. Vẻ đẹp bóng bẩy của nó chỉ có giá trị khi được phô
trương, chứ không phải là nằm sau những lớp nhựa rẻ tiền. Nếu sợ xước, hãy sử dụng
miếng dán trong hay những chiếc ốp viền. Còn nếu đến đây mà bạn vẫn cảm thấy lo
lắng, tốt nhất là hãy mua một màu sắc khác.
Nhưng tất cả chưa dừng lại ở đó. Năm nay, thiết kế của
iPhone 7 không chỉ còn là ở bên ngoài nữa, mà là còn ở bên trong. Đây là thế hệ
iPhone đầu tiên có khả năng chống nước chuẩn IP67, cho khả năng chịu nước ở độ
sâu 1m, trong thời gian 30 phút.
Đối với nhiều người thì chống nước là một tính năng nhảm nhí
- vì đâu phải ai cũng hậu đậu đến mức đánh rơi cả điện thoại xuống nước? Nhưng
trên thực tế, việc có thể tự tin nghe điện thoại khi trời đang mưa, chụp một
vài tấm ảnh dưới nước khi đi biển, hay thậm chí là rửa điện thoại khi máy bẩn -
đều là những ứng dụng mà theo tôi thấy là khá có ích. Đây là những điều mà
không ai nghĩ sẽ có lúc làm, nhưng nếu công nghệ đã cho phép thì tại sao lại từ
chối?
Đánh giá của tôi về khả năng chống nước của iPhone 7 thế
nào? Er… tính đến thời điểm này thì máy vẫn chưa chết, vậy đã tính là đạt chưa
nhỉ? Cộng thêm hàng loạt những bài tra tấn iPhone 7 mà bạn có thể dễ dàng tìm
qua mạng, chúng ta có thể khẳng định rằng khả năng chống nước của nó là rất tốt,
thậm chí ngang bằng với những máy khác đạt chuẩn IP68 cao hơn. Nhưng, chớ có tự
tin thái quá mà suốt ngày thả máy vào nước chỉ để cho… vui vì (1) Apple sẽ từ
chối bảo hành nếu máy bạn bị hư hỏng (2) khả năng chống nước của máy hoàn toàn
có thể sẽ bị xuống cấp qua thời gian.
Thông thường, để đánh giá hiệu năng smartphone thì tôi sẽ
đưa ra những con số và biểu đồ về kết quả benchmark. Nhưng thật sự với iPhone
7, tôi cảm thấy việc này là hoàn toàn không cần thiết, đơn giản là vì đây là
chiếc smartphone nhanh nhất thế giới, bỏ xa các đối thủ còn lại.
Yếu tố đầu tiên giúp máy đạt được hiệu năng tuyệt vời này chắc
chắn là SoC A10 Fusion. Con chip mới của Apple sở hữu bốn nhân, nhưng đừng hiểu
nhầm rằng nó sẽ nhanh gấp đôi A9 (vốn sở hữu hai nhân). Thay vào đó, Apple đã
áp dụng kiến trúc tương tự như big.LITTLE, chia ra làm hai nhân hiệu năng cao
và hai nhân hiệu năng thấp nhưng tiết kiệm năng lượng. Từ đó, A10 Fusion không
những đạt được hiệu năng mạnh mẽ hơn 40% so với A9, mà còn giúp cho thời lượng
pin cao hơn trước đó.
![]() |
6 mẫu màu cho iphone 7 |
Yếu tố thứ hai là tốc độ của bộ nhớ trong (NAND). Nhiều người
thường cho rằng hiệu năng của smartphone bị ảnh hưởng bởi CPU và RAM. Tuy nhiên
trên thực tế, tốc độ của NAND mới là quan trọng nhất vì đây là yếu tố quyết định
thời gian khởi chạy ứng dụng – cũng là tác vụ phổ biến nhất của người dùng. Nó
cũng giống như việc một chiếc máy tính dùng chip Core i7, RAM 16GB nhưng dùng
HDD chắc chắn sẽ khởi động Windows và ứng dụng chậm hơn một chiếc máy tính khác
với cấu hình thấp hơn nhưng lại dùng SSD.
Lần đầu xuất hiện trên iPhone 6s, sự kết hợp của giao tiếp
PCI-e và chuẩn NVMe tiếp tục được Apple lựa chọn cho bộ nhớ trong trên iPhone
7. Và cũng không cần nói nhiều - khi đây là bộ nhớ trong cho tốc độ nhanh nhất
hiện nay. Cần lưu ý rằng, phiên bản bộ nhớ trong 32GB sẽ cho tốc độ ghi thấp hơn
khá nhiều so với các phiên bản 128GB và 256GB, do những hạn chế của kiến trúc bộ
nhớ. Mặc dù vậy, trên thực tế sử dụng thì phiên bản 32GB vẫn hoàn toàn có thể
đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng.
Yếu tố thứ ba cũng không kém phần quan trọng, đó là hệ điều
hành iOS với mô hình đa nhiệm "ảo" tỏ rõ sức mạnh trong việc quản lý
bộ nhớ. Trên iPhone 7 với RAM 2GB, máy có thể lưu trữ khoảng 8-10 ứng dụng mà
không cần phải tải lại. Trong khi đó, riêng iPhone 7 Plus với nâng cấp về RAM
lên 3GB của mình, con số này có thể lên tới 12-15. Ngoài ra, do nắm lợi thế
trong suốt những năm qua về khả năng tối ưu hóa cực tốt từ Apple và đội ngũ lập
trình viên, tất cả các ứng dụng trên iPhone 7 đều cho một trải nghiệm mượt mà,
không có bất kỳ một dấu hiệu nào của giật hay lag.
Đánh giá chi tiết nhất về iPhone 7: Có thực sự là smartphone
tốt nhất năm nay? - Ảnh 10.
Nếu như bạn là một người dùng iPhone 6 nâng cấp lên iPhone
7, chắc chắn sự khác biệt về hiệu năng là rất rõ ràng. Trong khi đó, người dùng
iPhone 6s có lẽ sẽ không thấy ấn tượng, đơn giản là vì A9 vẫn là một con chip rất
mạnh, dung lượng RAM 2GB cũng là quá đủ với iOS và bộ nhớ trong NVMe cũng được
trang bị trên chiếc máy này.
Tôi cảm thấy thật sự lo lắng khi phải chứng kiến những gì mà
các đối thủ chạy Android đang phải chống chọi. Khi mà những chiếc smartphone
Android đầu bảng hiện nay còn chưa thể bắt kịp được hiệu năng của iPhone 6s,
khoảng cách này tiếp tục bị nới rộng với iPhone 7. Đương nhiên, so sánh iPhone
và Android là hoàn toàn khập khiễng do chúng chạy hai nền tảng hệ điều hành
khác nhau. Nhưng đối với người dùng bình dân, khi mà họ chỉ cần một chiếc
smartphone mượt mà, ổn định, thì iPhone vẫn là sự lựa chọn duy nhất.
Màn hình của iPhone 7 và 7 Plus tiếp tục được giữ nguyên
kích thước và độ phân giải so với các thế hệ trước, 4.7 inch (750x1334) và 5.5
inch (1080x1920). Sự thay đổi lớn nhất nằm ở khả năng hỗ trợ dải màu DCI-P3, so
với dải màu sRGB hẹp hơn trên các thế hệ iPhone trước. Với sự nâng cấp lần này,
màn hình của iPhone 7 sẽ có khả năng hiển thị nhiều hơn 25% số màu sắc. Đi kèm
với đó, Apple cũng sẽ cần một giải pháp quản lý màu sắc (color management) hiệu
quả. Do đây là một tính năng đã được tích hợp sẵn trên iOS, kèm theo việc Apple
sẽ cân chỉnh màu của từng màn hình riêng lẻ khi sản xuất, người dùng có thể tự
tin rằng iPhone 7 cho chất lượng màu sắc trung thực bậc nhất hiện nay.
Mặc dù nghe ấn tượng là vậy, nhưng trong thực tế sử dụng thì
rất khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa màn hình của iPhone 7 và các thế hệ
trước, do đa số nội dung chúng ta tiêu thụ hiện nay vẫn sử dụng chuẩn sRGB. Ứng
dụng lớn nhất của màn hình này có lẽ là ảnh và video, do camera của iPhone 7 cũng
được trang bị khả năng chụp ảnh gam màu rộng theo chuẩn DCI-P3.
Một nâng cấp khác dễ nhận ra hơn của màn hình iPhone 7 là độ
sáng màn hình. Trong khi màn hình của các thế hệ iPhone trước chỉ đạt độ sáng tối
đa 500 nits, thì con số này của iPhone 7 và 7 Plus có thể lên đến 625 nits. Kết
quả là chúng ta có một màn hình dễ đọc hơn nhiều trong điều kiện ngoài trời, đặc
biệt là khi nắng gắt.
Đánh giá chi tiết nhất về iPhone 7: Có thực sự là smartphone
tốt nhất năm nay? - Ảnh 13.
Khả năng hiển thị ngoài trời nắng của iPhone 7 được cải thiện
Đánh giá chi tiết nhất về iPhone 7: Có thực sự là smartphone
tốt nhất năm nay? - Ảnh 14.
Nhìn chung, nếu bạn đã và đang hài lòng với màn hình của các
thế hệ iPhone trước, bạn chắc chắn sẽ không bị thất vọng với màn hình của
iPhone 7. Cá nhân tôi cũng cho rằng đây là một trong những màn hình cho chất lượng
tốt nhất tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với iPhone 7
Plus.
Với iPhone 7 và độ phân giải khiêm tốn của nó, thật sự tất cả
những nỗ lực trên cũng chỉ là vô nghĩa. 326ppi từng là một con số cao, nhưng ở
thời điểm hiện tại, khi so sánh với những đối thủ như Galaxy S7, HTC 10… với mật
độ điểm ảnh lên đến hơn 500ppi, màn hình của iPhone 7 là không thể xứng tầm.
Xin đừng hiểu lầm rằng màn hình của iPhone 7 cho chất lượng
thấp – hàng trăm triệu người ngoài kia vẫn đang sử dụng nó mà không hề có bất kỳ
phàn nàn nào. Nhưng nếu bạn bỏ ra hàng chục triệu cho một chiếc điện thoại và
mong muốn có được một trải nghiệm xứng đáng với đồng tiền, thì e rằng chỉ có
iPhone 7 Plus mới có thể làm bạn tạm thỏa mãn.
Tất cả các thành phần phần cứng cấu thành nên hệ thống
camera của iPhone 7 đều được nâng cấp rõ rệt. Cảm biến ảnh vẫn được giữ nguyên ở
kích thước 1/3", kích thước điểm ảnh 1.22 µm và độ phân giải 12MP, nhưng
được Apple quảng cáo là nhanh hơn 60% và hiệu quả hơn 30%. Ngoài ra, nó còn
mang đến khả năng chụp ảnh gam màu rộng theo chuẩn DCI-P3.
Nhưng thay đổi lớn nhất có lẽ nằm ở hệ thống ống kính. Từ khẩu
độ f/2.2 và 5 lớp của iPhone 6s, thì trên iPhone 7, ống kính được nâng cấp lên
f/1.8 và 6 lớp. Với ống kính khẩu độ lớn hơn, ánh sáng sẽ có thể lọt vào nhiều
hơn, từ đó cải thiện khả năng chụp thiếu sáng của máy. Công nghệ chống rung
quang học cũng không còn độc quyền trên những chiếc iPhone "Plus" nữa,
mà đã được mang xuống cả phiên bản 4.7 inch. Và cuối cùng, đèn Flash LED
dual-tone cũng được nâng từ hai bóng lên bốn bóng, cho khả năng phát ra ánh
sáng mạnh hơn và xa hơn.
Nhìn chung, iPhone 7 có cải tiến về chất lượng ảnh so với
các thế hệ trước, nhưng tôi e rằng không phải ai cũng có thể nhận ra sự khác biệt.
Về ảnh ban ngày, nếu chỉ nhìn một cách thoáng qua, ảnh của iPhone 7 trông chẳng
khác gì iPhone 6, chứ đừng nói là iPhone 6s. Sự cải thiện lớn nhất chỉ có thể
nhận ra ở màu sắc, khi lợi thế về khả năng chụp gam màu rộng DCI-P3 giúp ảnh của
iPhone 7 trở nên đậm đà hơn, đặc biệt khi xem trên màn hình của máy.
Qua camera của iPhone 7, có thể thấy cách thức xử lý hình ảnh
của Apple là rất khác biệt. Trong khi nhiều nhà sản xuất khác tìm mọi cách để
khiến bức ảnh trở nên "sáng lóa", từ đó tạo cảm giác nịnh mắt nhưng lại
khác xa với thực tế bên ngoài, thì Apple đi theo hướng bảo tồn vẻ tự nhiên. Những
lợi thế về phần cứng như ống kính khẩu độ lớn, công nghệ chống rung quang học…
sẽ được sử dụng để giảm ISO của bức ảnh đến mức tối thiểu, giúp tăng độ sắc nét
và ít nhiễu hơn.
Khi so sánh với đối thủ chính là Galaxy S7, trong điều kiện
chụp ảnh đủ sáng thì tôi đánh giá cao iPhone 7 hơn một chút, nhờ vào màu sắc
trung thực và dynamic range tốt hơn. Nhưng trong điều kiện chụp tối, Galaxy S7
lại tỏ rõ ưu thế khi cho lượng nhiễu (noise) thấp hơn, và tính năng chống rung
hoạt động hiệu quả hơn. Thực sự mà nói, cả hai máy sẽ đều giúp bạn cho ra những
bức ảnh đẹp, và đến thời điểm này thì có lẽ tay nghề của người chụp mới là yếu
tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng của bức ảnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét